Những ai đã từng một lần đến Châu Đốc hay từng đến tham quan vùng Bảy Núi thì không thể không biết đến những sản phẩm như Đường Thốt Nốt, Trái Thốt Nốt, cùng nhiều thứ khác được làm từ lá, từ thân cây Thốt Nốt, một loại cây được trồng rất nhiều ở khu vực 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn. Từ bao đời cây Thốt Nốt gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của người Khmer An Giang.

Cây Thốt nốt có rất nhiều công dụng, hầu như bộ phận nào của cây cũng có thể sử dụng được, như thân cây xẻ gổ làm nhà, làm đồ gia dụng như đũa, muỗng, thước kẻ..... Lá thốt nốt dùng để lợp nhà. Trái thốt nốt và nước thốt nốt là thức uống giải khát tuyệt vời. Nhưng trên hết , người Khmer trồng thốt nốt để làm đường từ nước thốt nốt.

Đường thốt nốt làm từ nước rỉ ra ở các cuống hoa thốt nốt. Người ta chặt phần ngọn những cuống hoa, sau đó dùng thùng nhựa hứng nước chảy ra . Một cây thốt nốt có thể cho 30-40 lít nước 1 ngày. Có điều lạ là vào mùa khô hạn, nước thốt nốt tiết ra rất nhiều và rất ngọt, còn mùa mưa thì nước bị lạt đi và ít. Do đó mùa làm đường thốt nốt bắt đầu vào mùa nắng ( ở ĐBSCL chỉ có 2 mùa mưa và nắng thôi )


Leo cây để lấy nước thốt nốt không phải đơn giản, vì cây rất cao nên người ta buộc những thanh tre chừa các nhánh nhỏ để người leo bước lên thay thế cho thang. Leo thốt nốt rất nguy hiểm vì đôi khi sơ ý trượt chân hay những thanh tre lâu ngày mục gãy... Năm nào cũng có người leo thốt nốt bị ngã, chấn thương cột sống hay sọ não



...và... ngay cả trong mưa


Nước thốt nốt đem về nhà họ phải nấu ngay để chế biến thành đường
Lò nấu đường làm bằng gạch bên ngoài tô đất sét trộn với trấu rất bền.
Họ đun lửa bằng trấu hay lá cây bạch đàn được trồng rất nhiều ở nơi này.
Lò nấu đường làm bằng gạch bên ngoài tô đất sét trộn với trấu rất bền.
Họ đun lửa bằng trấu hay lá cây bạch đàn được trồng rất nhiều ở nơi này.

Thợ đứng lò phải khuấy liên tục

Vớt bọt bỏ đi

Khi thấy nước sánh lại, phải bớt lửa lại ngay

Đường đã cô lại, sắp xong rồi

Công đoạn cuối cùng là dùng một cái que đánh thật lâu và đều tay , cho đến khi nào đường cô đặc và trắng lên mới xong. Đây là công đoạn vất vả không kém gì leo cây lấy nước Thốt Nốt.
Bình quân một chảo nước thốt nốt đầy khoảng 40 lít nước cho ra chừng 9-10 kg đường thốt nốt nguyên chất

Đường lỏng được đổ thành từng tán hình trụ trong những khuôn được làm từ những lon sửa bò hay lon bia cắt thành hình vòng tròn đặt trên một nền phẵng. Quá trình nguội dần của đường trong tự nhiên cũng là lúc mà chúng kết tinh lại thành những tinh thể mịn. Nếu cắn thử một miếng đường thì cảm giác của vị ngọt và béo của những hạt đường thốt nốt tan bên trong miệng sẽ là một hương vị khó quên của những khách phương xa.

Đóng gói đường bằng chính lá cây thốt nốt
Trong những chuyến hành hương về miền Tây tham quan miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam để cầu lộc mùa xuân, du khách thường hay ghé qua chợ Châu Đốc để mua 2 đặc sản nổi tiếng là đường thốt nốt và mắm Châu Đốc. Những tán đường được gói bằng lá thốt nốt hay trong bao nhựa được hút chân không trông rất bắt mắt trên các cửa hàng khiến du khách không thể nào bỏ qua khi ghé thăm chợ Châu Đốc. Loại đường này nếu ăn cùng với dưa gang ướp lạnh sẽ là món giải nhiệt tốt nhất trong mùa nắng hạn. Cắn một miếng đường, và một miếng cơm nguội sẽ tạo một cảm giác khó quên trong lúc đói lòng. Nếu muốn kho cá hoặc nấu chè đậu xanh thì chọn loại đường chảy chứa trong những hủ nhựa nhỏ xinh xắn. Lúc đó nồi cá kho hay nồi chè sẽ có một hương vị độc đáo khác hẳn khi nấu bằng đường cát trắng.Mắm Châu Đốc nổi tiếng trong và ngoài nước cũng là nhờ được chao bằng loại đường thốt nốt này. Hương vị của đường thốt nốt tạo nên mùi vị đặc trưng của từng loại mắm như mắm thái, mắm lóc, mắm trèn, mắm sặc....mà những nơi khác không thể nào sánh kịp. Ngoài ra du khách còn có thể mua nguyên cả buồng trái thốt nốt hay nước thốt nốt đóng chai đem về làm quà cho người thân. Đây cũng là những kỷ niệm khó quên trong một lần ghé qua vùng đất Châu Đốc quê tôi !
*Nguồn từ: Lâm Thanh Quang :Đời sống & Phong tục
:một số tin từ Net